Ông Điền Food – Thực phẩm vị đắng tuy khó ăn với một số người nhưng mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, bảo vệ cơ thể khỏi vấn đề viêm sưng và chống oxy hóa cao.
Nhóm thực phẩm có vị đắng mang đến nhiều lợi ích, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim, tiểu đường, hỗ trợ sức khỏe đường ruột, tốt cho thị lực và gan. Cùng điểm qua 8 loại thực phẩm có vị đắng tốt cho sức khỏe sau.
Mướp đắng (khổ qua)
Mướp đắng chứa nhiều chất phytochemical như triterpenoids, polyphenol và flavonoid giúp giảm phát triển tế bào ung thư.
Mướp đắng chứa chất chống oxy hóa cao, giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường.
Nhóm rau xanh vị đắng
Họ rau có vị đắng gồm bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn, củ cải, rau arugula và cải brussels. Nhóm thực phẩm này chứa các hợp chất glucosinolate. Ngoài tác dụng chống ung thư tiềm ẩn, glucosinolate trong các loại rau họ cải giúp gan đào thải chất độc hiệu quả và giảm nguy cơ ngộ độc cho cơ thể. Theo một số nghiên cứu công bố trên Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ, đưa 5% rau vào chế độ dinh dưỡng hằng tuần sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.
Vỏ cam quýt
Phần vỏ bên ngoài và phần cùi trắng của các quả có múi có vị đắng nhờ chất flavonoid cao, giúp bảo vệ trái cây khỏi sâu bọ. Phần này được chứng minh có thể giúp chống ung thư nhờ khả năng giảm viêm, thải độc; làm chậm sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư. Bạn có thể thiết kế và đưa nguyên liệu như vỏ cam quýt vào bữa ăn, như vỏ chanh vàng làm nguyên liệu cho món bánh ngọt. Vỏ quả chanh leo, vỏ bưởi sấy cũng được dùng như món tráng miệng.
Nam việt quất (cranberries)
Nam việt quất là quả mọng màu đỏ có vị chua, đắng, có thể ăn tươi, nấu chín, sấy khô hoặc làm nước ép. Trong quả có polyphenol có thể ngăn vi khuẩn bám vào các bề mặt, nhu mô cơ thể. Ăn nam việt quất giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn trong dạ dày; ngừa nhiễm trùng khuẩn E.coli trong đường ruột, đường tiết niệu và giảm sâu răng do vi khuẩn. Ngoài tính kháng khuẩn, nam việt quất còn rất giàu chất chống oxy hóa. Theo thống kê từ Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ, loại quả này chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất trong số 24 loại trái cây thông dụng khác. Vì vậy, uống nước ép nam việt quất thường xuyên có tác dụng tích cực đến sức khỏe tim mạch như giảm viêm, kiểm soát đường huyết,…
Bột cacao
Bột cacao được làm từ hạt của cây cacao, có vị rất đắng, thường được dùng cho món tráng miệng và là thành phần chính của sôcôla. Nghiên cứu công bố trên Thư viện Y tế Quốc gia nêu, người ăn sôcôla 5 lần mỗi tuần ít có nguy cơ mắc bệnh tim so với người không có thói quen này. Chất polyphenol và chất chống oxy hóa trong cacao hỗ trợ mở rộng mạch máu và giảm viêm, bảo vệ trái tim của bạn. Cacao cũng là nguồn thực phẩm giàu khoáng chất vi lượng gồm đồng, mangan, magiê và sắt.
Bột cacao không đường, cacao hạt và sôcôla đen chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất và ít đường giúp tạo nên các chất bổ sung lành mạnh cho cơ thể.
Cà phê
Cà phê là một trong những đồ uống được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới. Giống như hầu hết các loại thực phẩm đắng, cà phê chứa nhiều polyphenol dồi dào nhất trong cà phê là axit chlorogenic giúp chống oxy hóa cao, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Các nghiên cứu tại Mỹ, năm 2018 cho thấy, người uống 3-4 tách cà phê mỗi ngày có thể giảm nguy cơ tử vong, ung thư và bệnh tim so với người không dùng cà phê. Một số nghiên cứu khác cũng nêu ra, caffeine có trong cà phê giúp ngăn ngừa các rối loạn thần kinh như bệnh Alzheimer và Parkinson.
Trà xanh
Trà xanh cũng là thức uống phổ biến, có vị đắng tự nhiên do chứa catechin và polyphenol. Hợp chất EGCG trong trà xanh được các chuyên gia cho biết có nhiều công dụng tích cực ngăn ngừa phát triển tế bào ung thư. Nghiên cứu trên 4.675 người, được công bố trên tạp chí Oral Oncology (Mỹ) năm 2021, cho thấy, uống trà xanh có tác dụng bảo vệ và ngăn ung thư miệng. Người uống trà xanh thường xuyên cũng được cho biết ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư hơn. Trà xanh cũng có tác dụng tốt lên hệ tim mạch.
Rượu vang đỏ
Rượu vang đỏ chứa hai loại polyphenol là proanthocyanidins và tannin tạo vị đắng và màu sắc đậm cho thức uống này. Dùng rượu vang đỏ lượng vừa phải trong bữa ăn có thể giúp giảm quá trình oxy hóa cholesterol, giảm đông máu, mở rộng mạch máu. Nghiên cứu của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2017 cũng cho biết, rượu vang đỏ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Uống rượu vang đỏ cũng làm tăng số lượng vi khuẩn đường ruột có lợi, thúc đẩy hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Uống rượu vang đỏ còn giúp kéo dài tuổi thọ, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và loãng xương. Tuy nhiên, uống rượu quá mức gây hại cho sức khỏe. Bạn nên cân nhắc uống vừa phải theo thể trạng và tình hình sức khỏe cá nhân.
Các thực phẩm vị đắng chứa các chất polyphenol hỗ trợ cơ thể chống lại quá trình oxy hóa, ngăn viêm sưng, bảo vệ hệ tim mạch và phòng các bệnh mạn tính khác.
Mai Trinh (Theo Healthline)