Nhân trần còn gọi là hoắc hương núi có công dụng phòng và điều trị viêm gan, vàng da, phát ban, tiểu tiện bất lợi, viêm túi mật…
1. Đặc điểm và công dụng của nhân trần
Nhân trần thu hái vào mùa hè khi cây đang ra hoa, phơi hoặc sấy khô. Dược liệu màu xanh xám, lá có cuộng, lá phân thành từ 1 đến 3 nhánh, nhánh lá hình sợi. Thân cây ngắn và nhỏ, dễ bẻ gãy, mùi thơm nhẹ, vị hơi đắng.
Nhân trần tính hơi hàn, vị đắng, cay, lợi về kinh can, đởm, tỳ, vị; có công hiệu thanh nhiệt, lợi thấp; phù hợp với người bị bệnh vàng da, tiểu ít, phát ban, dị ứng, mẩn ngứa, viêm gan vàng da virus, viêm túi mật…
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, nhân trần hàm chứa các chất dầu bay hơi, dầu béo, acid gốc clo, tinh dầu thơm… có tác dụng tăng cường sự tiết mật, đồng thời làm cho lượng acid mật và chất hồng tố trong nước mật thải ra được nhiều hơn, thúc đẩy tế bào gan tái sinh, có tác dụng giải nhiệt rất rõ rệt; ức chế đối với bệnh viêm gan. Ngoài ra còn nhân trần có tác dụng hạ huyết áp, đồng thời có thể làm tăng lưu lượng máu trong động mạch cơ tim và có tác dụng bình ổn hen suyễn.
Cây nhân trần
2. Các bài thuốc từ nhân trần
2.1. Thang nhân trần tươi
Thành phần: Nhân trần tươi 120g, sắc uống. Uống liên tiếp nhiều thang.
Công dụng: Dùng cho người viêm gan vàng da.
2.2. Nhân trần chúc (cháo nhân trần)
Thành phần: Nhân trần 30g, gạo lức 50g, đường trắng vừa đủ.
Nhân trần rửa sạch, sắc bỏ bã, lấy nước nấu cháo, cháo chín thì đánh đường vào là được. Ăn ngày 2 lần, mỗi lần 1 bát.
Công dụng: Dùng cho người viêm gan vàng da cấp tính, hoặc làm món ăn thường ngày cho người sau khi bị viêm gan, đang ở thời kỳ khôi phục, dừng thuốc.
2.3. Nhân trần đại hoàng trà (trà nhân trần, đại hoàng)
Thành phần: Nhân trần 30g, chè xanh 3g, đại hoàng tươi 6g. Sắc uống thay trà.
Công dụng: Chữa bệnh viêm gan vàng da, vàng mắt cấp tính.
2.4. Nhân trần hương nhu trà (trà nhân trần, hương nhu)
Thành phần: Nhân trần 30g, hương nhu 30g, lư căn 45g. Sắc uống thay trà.
Công dụng: Dùng cho người viêm gan vàng da.
2.5. Nhân trần đảng sâm nhũ trấp
Thành phần: Nhân trần 3g, sữa tươi 100ml, đảng sâm 3g. Nhân trần và đảng sâm sắc 3 nước, cô lấy 50ml, cho sữa vào trộn đều. Chia uống trong ngày.
Công dụng: Dùng cho người tỳ hư thai vàng, trẻ em mới sinh da vàng như nghệ, không chịu bú.
2.6. Nhân trần nhũ trấp (nhân trần sữa)
Thành phần: Nhân trần 3g, xích tiểu đậu 10g, sữa tươi 100ml. Nhân trần và xích tiểu đậu sắc 3 nước, chắt lấy 50ml, cho sữa vào, nguấy đều. Chia uống trong ngày.
Công dụng: Dùng cho người thấp nhiệt, toàn thân da vàng, nước tiểu vàng và đỏ, buồn bực bứt rứt không yên.
Xích tiểu đậu
2.7. Nhân trần đại táo thang (thang nhân trần, táo tầu)
Thành phần: Nhân trần 15g, gừng khô 6g, táo tầu 8g, đường đỏ vừa đủ. Sắc chung, uống thang, ăn táo.
Công dụng: Dùng cho người tỳ hư, sắc mặt u ám, toàn thân và mắt vàng, ăn uống kém, viêm gan mạn tính…
2.8. Nhân trần công anh thang (thang nhân trần, bồ công anh)
Thành phần: Nhân trần 100g, bồ công anh 50g, đường trắng 30g. Sắc uống trong ngày.
Công dụng: Dùng cho người thấp nhiệt bị bệnh vàng da, da vàng như nghệ, phát sốt, miệng khát, nước tiểu vàng, viêm nhiễm đường mật cấp tính, viêm gan vàng da cấp tính…
2.9. Nhân trần ngọc mễ tu thang (thang nhân trần, râu ngô)
Thành phần: Nhân trần 30g, râu ngô 30g, bồ công anh 30g, đường trắng vừa đủ. 3 vị thuốc trên sắc chung lấy nước, đánh đường vào. Uống ngày 1 thang, chia 3 lần.
Công dụng: Dùng cho người viêm túi mật, sỏi mật, phát sốt.
Theo BS Vũ QuốcTrung (Sức khỏe đời sống)