Trang trí không gian phòng khách bằng những giống cây cảnh cao lớn, nhiều lá, khiến ngôi nhà tràn đầy sức sống.
Cây đa búp đỏ – cây đa cao su (Ficus Elastica)
Ficus elastica là loài thực vật nhiệt đới ở Nam Á. Chúng sống trong môi trường ấm áp, hưởng ánh sáng gián tiếp. Để cây phát triển tốt, người trồng cần lưu ý tưới tiêu đủ và giữ nền đất ẩm ổn định.
Chiều cao tối đa trong nhà của cây là 3 m.
Cọ cau (Dypsis Lutescens)
Areca Palm là một lựa chọn tốt nếu bạn muốn biến phòng khách thành một thiên đường nhiệt đới giống như Madagascar. Người dùng nên đặt cây gần cửa sổ vì chúng ưa thích những tia nắng yếu. Giống như nhiều loài cọ khác, cây ưa môi trường đất ẩm ướt, nhưng không được ngập nước.
Chiều cao tối đa trong nhà 4 m.
Cây thiết mộc lan (Dracaena Fragrans)
Loại cây này rất dễ trồng trong phòng khách bởi chúng ưa ánh sáng gián tiếp và không cần chăm sóc nhiều. Đặc biệt, thiết mộc lan cũng là loại cây chịu hạn tốt, nhưng gia chủ cũng nên đảm bảo độ ẩm cho đất.
Chiều cao tối đa trong nhà 2 m.
Cây cau tiểu trâm (Chamaedorea Elegans)
Chamaedorea elegans được phát hiện trong các khu rừng nhiệt đới ở Nam Mexico và Guatemala. Đây là loại cây nhiệt đới rất dễ thích nghi, khi trồng trong nhà, người dùng cần giữ chúng ở điều kiện ánh sáng yếu và tránh tưới quá nhiều nước.
Chiều cao trong nhà 2 m.
Cây Yucca (Yucca Elephantipes)
Cây Yucca là một loại cây nhiệt đới phát triển chậm, chịu hạn tốt. Loại cây này mọc tự nhiên ở những vùng khô và nóng của vùng Caribe, thường ưa đất cát thoát nước tốt. Môi trường tốt nhất cho cây Yucca là cung cấp đủ ánh sáng mặt trời.
Chiều cao trong nhà 3 m.
Cây Kim tiền (Pachira Aquatica)
Nếu bạn muốn một loại cây nhiệt đới phát triển nhanh trong nhà, đây có thể là sự lựa chọn hoàn hảo. Do mọc tự nhiên ở đầm lầy, cây kim tiền ưa ẩm và ẩm cao, gia chủ cần tưới nước thường xuyên và đặt ở nơi có ánh sáng gián tiếp từ sáng đến trung bình để lá xanh khỏe.
Chiều cao trong nhà 2,5 m.
Cây cau cọ (Ravenea Revularis)
Một cây cau cọ đôi khi đòi hỏi môi trường sống cao cấp, khi phải cân bằng giữa ánh sáng, nhiệt và sự thụ phấn. Người trồng nên cung cấp càng nhiều ánh sáng càng tốt và tưới đều nước cho đất.
Chiều cao trong nhà 3 m.
Cây huyết rồng (Dracaena Marginata)
Cây huyết dụ hay còn gọi là cây huyết rồng có nguồn gốc từ các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, cụ thể là Madagascar. Cách tưới nước hợp lý cho loại cây này là để đất khô giữa các lần tưới nhưng quan trọng là tránh ánh nắng trực tiếp và để cây ở nơi có ánh sáng gián tiếp.
Chiều cao trong nhà 2 m.
Cây ngũ gia bì chân chim (Schefflera)
Ngũ gia bì chân chim là sự lựa chọn hoàn hảo cho phòng khách ít hưởng ánh nắng trực tiếp. Nếu được giữ trong một môi trường ấm áp và ẩm ướt, loại cây này phát triển nhanh.
Chiều cao trong nhà 2 m.
Bàng Singapore
Cây bàng Singapore có nguồn gốc từ tây châu Phi, nơi chúng phát triển trong các khu rừng mưa nhiệt đới đất thấp. Đó cũng là lý do khiến loại cây này ưa thích ánh sáng yếu và độ ẩm cao.
Người dùng có thể đặt cây cạnh cửa sổ trong phòng khách, nhưng đảm bảo không để ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Ngoài ra, người dùng nên xoay cây vài ngày một lần để đảm bảo các mặt của cây đều được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Chiều cao trong nhà 3 m.
Cây tai voi (Colocasia Esculenta)
Cây tai voi là loại cây nhiệt đới, lá to hình trái tim, ưa ánh sáng yếu. Để chăm sóc trong nhà tốt nhất, gia chủ cần giữ đất luôn ẩm và phun sương để cây phát triển tự nhiên.
Chiều cao trong nhà 0,5 m.
Minh Phương (Theo Brightside)