Bệnh gút rất phổ biến hiện nay, có thể xuất hiện ở cả nam lẫn nữ và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh.
Bên cạnh việc phát hiện và điều trị kịp thời thì những món ăn dành cho người bị gút cũng là vấn đề quan trọng góp phần chữa trị bệnh lý này.
1. Bệnh gút là gì?
Bệnh gút xảy ra do một số khớp trong cơ thể bị viêm gây rối loạn chuyển hóa. Cụ thể, đó là sự tăng lên hàm lượngacid uric máu, đồng thời giảm đào thải acid uric ở thận. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc người bệnh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa purin như thịt đỏ hay hải sản. Những tinh thể muối urat lắng đọng tại các khớp gây ra cơn gút cấp, có thể tái diễn nhiều lần và sau đó tiến triển thành mãn tính.
Bệnh gút không thể điều trị một cách triệt để mà chỉ có thể làm giảm nồng độ acid uric máu xuống mức an toàn. Vì vậy, trong quá trình điều trị thì dinh dưỡng của người bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng. Người bệnh và gia đình cần trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến dinh dưỡng, những món ăn chữa bệnh gút để hỗ trợ cho việc điều trị đạt hiệu quả.
2. Ăn gì trị bệnh gút?
Một số món được khuyến nghị nên ăn trong thời gian bị bệnh gút đó là:
- Trái cây: Một số loại trái cây chứa nhiều vitamin như dâu, táo… rất tốt đối với người bị bệnh gút, chúng giúp làm giảm triệu chứng viêm và nồng độ acid uric máu;
- Thức ăn bổ sung vitamin C cho cơ thể: Vitamin C giúp giảm acid uric rất tốt, tác dụng kháng viêm, chống quá trình oxy hóa trong cơ thể xảy ra. Một số loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C như bông cải, ớt chuông, ổi… Một lưu ý khi bổ sung vitamin C đó là không nên dùng quá nhiều vì sẽ gây ra quá trình oxalate niệu (yếu tố hình thành sỏi thận và giảm đào thải acid uric), buồn nôn, ợ chua, ợ nóng….;
- Thịt trắng: Một trong những món ăn dành cho người bị gút đó là thịt trắng. Các loại thịt trắng nên dùng đó là cá sông, gà… mặc dù cung cấp nhiều protein cho cơ thể nhưng lại chứa ít purin hơn là thịt đỏ. Vì vậy, sử dụng nguồn đạm đến từ cá sông và gà sẽ giúp hỗ trợ tốt quá trình điều trị bệnh gút;
- Dầu thực vật vàô liu: Đây là 2 nguồn cung cấp chất béo rất tốt cho cơ thể, giúp chống viêm và sưng, góp phần giảm lượng acid uric. Có thể dùng các loại dầu này trong chế biến món salad để thu được nhiều chất dinh dưỡng nhất từ chúng;
- Trứng: Trứng là thực phẩm chứa purin ít, đồng thời lại bổ sung calci cho cơ thể nên rất tốt để cung cấp dinh dưỡng cần thiết mà không gây tăng acid uric máu;
- Cà phê: Cà phê được chứng minh là có thể làm giảm tình trạng mắc phải bệnh gút. Trong cà phê có nhiều khoáng chất và polyphenol có thể giảm sự tạo thành acid uric trong cơ thể;
- Trà xanh: Trà xanh là thức uống có tác dụng lợi tiểu, giúp nhanh chóng tạo ra nhiều nước tiểu và tăng đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.
- Rau củ: Một số loại rau củ nên sử dụng khi bị gút như cải, rau ngót, cà tím, nấm…;
- Ngũ cốc nguyên cám: Một số loại ngũ cốc bổ dưỡng nhưyến mạch,gạo lứt… là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho cơ thể, giảm triệu chứng sưng và viêm khớp;
- Các sản phẩm từ sữa, đậu nành: Phô mai,sữa chua… có tác dụng làm giảm acid uric máu nên cần bổ sung những loại thực phẩm này mỗi ngày;
- Nước: Nước là thức uống cực kỳ quan trọng đối với việc đào thải acid uric ra khỏi cơ thể, vì vậy mỗi ngày nên duy trì uống 2 – 2.5 lít nước.
Những món ăn chữa bệnh gút rất phong phú, từ chất đạm, chất xơ đến một số loại vitamin cần thiết cho cơ thể để làm giảm lượng acid uric máu, từ đó hỗ trợ kiểm soát bệnh gút. Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò thiết yếu để khiến bệnh lý này không trầm trọng hơn cũng như giữ cơ thể ở mức cân bằng nhất trong và sau khi điều trị gút.