Ông Điền Food – Không uống quá 3 ly cà phê mỗi ngày, không pha quá đậm đặc, không sử dụng chung với thuốc… sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể, lá gan.
Phó giáo sư nội khoa Elliot Tapper, tại Michigan Medicine, hợp tác với các chuyên gia gan từ Trường Y Harvard (Mỹ), trong một nghiên cứu đưa ra kết luận, mỗi ngày uống 1-2 tách cà phê đen nguyên chất, không đường có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gan.
Một nghiên cứu khác công bố trên tạp chí BMC Public Health, các nhà khoa học đánh giá dữ liệu sức khỏe của 495.585 người được theo dõi trong thời gian trung bình 10 năm. Trong nhóm này, có 78% thường xuyên uống cà phê và 22% không uống cà phê. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người uống cà phê có nguy cơ mắc bệnh gan thấp hơn 21% và giảm 20% nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Những người tham gia nghiên cứu uống cà phê cũng giảm 49% nguy cơ tử vong do bệnh gan mạn tính.
Những lợi ích của cà phê đối với gan có thể bắt nguồn từ đặc tính chống viêm hoặc chống xơ hóa của cà phê. Cụ thể, khi vào cơ thể caffeine sẽ tạo ra một chất hóa học được gọi là paraxanthine có khả năng làm chậm sự phát triển của quá trình xơ hóa. Điều đó có thể giúp chống lại ung thư gan, xơ gan do rượu, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, viêm gan C.
Mặc dù cà phê hòa tan và cà phê đã khử cafein cũng có lợi cho sức khỏe, nhưng cà phê xay có tác dụng tốt nhất. Cà phê xay chứa hàm lượng kahweol và cafestol cao nhất – hai thành phần được cho là có tác dụng bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh gan, từ đó góp phần phòng ngừa ung thư gan.
Ngoài ra, axit trong cà phê có thể chống lại virus gây ra bệnh viêm gan B. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy cà phê decaf (là dòng cà phê được loại bỏ ít nhất 97% hàm lượng caffein) cũng có khả năng chống lại virus viêm gan B.
5 lưu ý uống cà phê tốt cho sức khỏe
Theo Healthline, nếu sử dụng cà phê đúng cách, điều độ sẽ có lợi cho sức khỏe và tốt cho gan. Tuy nhiên nếu lạm dụng hoặc uống cà phê lẫn tạp chất sẽ tăng nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là những lưu ý:
Cẩn trọng với cà phê “hóa chất”
Bạn nên tránh xa các loại cà phê được “hô biến” từ nước lã, các loại hóa chất, phẩm màu công nghiệp chứa các kim loại nặng độc hại như thủy ngân, chì, asen… Đây là những hóa chất hủy hoại lá gan và sức khỏe từng ngày. Ngoài ra, trong cà phê “bẩn” còn chứa các loại đường hóa học bị cấm dùng trong thực phẩm như Sodium Cyclamate, các chất tạo bột chỉ dùng trong công nghiệp, chất tạo bọt Sodium lauryl sunlfate (dùng pha chế nước rửa chén).
Theo TTND Lê Văn Điềm – khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nếu sử dụng thường xuyên các loại cà phê chứa hóa chất, độc tố không chuyển hóa được sẽ bị tích lũy trong gan, dần dần làm tổn thương gan. Cụ thể, các hóa chất độc hại khi vào cơ thể sẽ tạo thêm gánh nặng khử độc của gan. Trong quá trình khử độc, một số sản phẩm trung gian được sinh ra sẽ kích hoạt tế bào Kupffer – một loại tế bào miễn dịch nằm ở xoang gan, hoạt động quá mức, làm cho tế bào này phóng thích ra các chất gây viêm như TNF-α, TGF-β, Interleukin… hủy hoại tế bào gan gây ra các bệnh lý như viêm gan, xơ gan…
Một số tinh chất thiên nhiên quý như Wasabia và S. Marianum được khoa học kiểm chứng về khả năng kiểm soát tốt hoạt động của tế bào Kupffer. Từ đó giảm các chất gây viêm làm hại tế bào gan. Wasabia còn có tác dụng kích hoạt yếu tố Nrf2 thúc đẩy pha II của quá trình giải độc gan. Từ đó tăng cường khả năng chống độc ở gan, tái tạo các tế bào gan bị hư hại, tăng cường giải độc gan, phòng ngừa hiệu quả các bệnh lý về gan.
Tránh pha cà phê quá đậm đặc
Cà phê có tác dụng làm giãn nở và thu nhỏ các nhánh phế quản, tác động đến hệ tim mạch, làm tăng khả năng cung cấp máu của tim và tăng nhịp tim. Do đó, nếu uống cà phê quá đậm đặc sẽ khiến tim đập nhanh, huyết áp tăng, xuất hiện các triệu chứng khác như: người nôn nao, bồn chồn, bất an, ù tai, khó ngủ, mất ngủ, chân tay run. Với những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh động mạch vành còn có thể dẫn tới những cơn đau thắt ngực.
Không uống quá nhiều cà phê trong ngày
Nếu uống nhiều hơn 3 ly cà phê mỗi ngày sẽ gây hại cho sức khỏe, gây lo âu và kích thích. Về lâu dài, bạn có thể bị phụ thuộc vào caffeine để duy trì sự tỉnh táo. Đồng thời uống quá nhiều sẽ gây chứng mất ngủ khó kiểm soát. Do vậy, bạn hãy chỉ nên uống cà phê vào buổi sáng hoặc trưa, hạn chế tối đa thói quen uống cafe vào buổi tối, tốt nhất là chỉ nên uống với một liều lượng nhất định.
Không nên cho quá nhiều đường vào cà phê
Cho một lượng đường thích hợp vào cà phê sẽ làm tăng mùi vị của cà phê. Tuy nhiên, nếu pha quá nhiều đường có thể làm kích thích các tế bào tiết insulin trong tụy, đồng thời đường chứa lượng glucose cao, làm tăng nguy cơ béo phì và đái tháo đường.
Không uống cà phê khi đang uống thuốc
Nếu uống cà phê và thuốc cùng với nhau sẽ làm cho dạ dày bị kích thích với cường độ mạnh. Ngoài ra, chất caffeine trong cà phê có thể tương tác với một số thành phần của thuốc làm mất tác dụng của thuốc.
Đặc biệt, người bị bệnh tim, người đang cho con bú, người bị hội chứng ruột kích thích, người đang mang thai, người bị rối loạn giấc ngủ, người bị tiêu chảy, trẻ em dưới 12 tuổi không nên uống cà phê để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tránh các tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
Gan đảm nhận hơn 500 vai trò khác nhau và nằm ở cửa ngõ thường xuyên “đón nhận” các yếu tố độc hại từ hóa chất, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn, bia rượu, thuốc điều trị bệnh… nên gan rất dễ nhiễm độc. Để có một lá gan khỏe mạnh, việc uống cà phê đúng cách thôi vẫn chưa đủ, bạn cần xây dựng lối sống, sinh hoạt khoa học như: ăn uống lành mạnh, sinh hoạt điều độ, tập luyện thường xuyên, hạn chế rượu bia, từ bỏ thuốc lá, không tùy tiện sử dụng thuốc và khám sức khỏe định kỳ.
Bình Minh