Món ăn vị thuốc tác dụng bồi bổ phổi
Trái quất (tắc) rất thích hợp dùng cho người bị viêm phổi, ho có đờm vàng hay người bị hen suyễn; cà rốt, su hào giàu tiền chất vitamin A, C và chất chống oxy hóa tốt cho phổi.
Tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, Nguyên phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết hậu Covid nhiều người gặp di chứng ở phổi, với biểu hiện về hô hấp như ho khan, ho đờm, hụt hơi, khó thở dai dẳng kéo dài trong vòng ba tháng sau khỏi bệnh. Ông cho rằng qua bữa ăn hàng ngày, dinh dưỡng góp phần quan trọng giúp cải thiện chức năng phổi.
Đông y cũng ghi nhận một số thực phẩm thường gặp rất hiệu quả trong việc bồi bổ phổi. Ví dụ, trong nhóm hoa quả có hai loại tác dụng bổ phổi rõ rệt là quả lê, quất. Quả lê còn gọi là tuyết lê, vị chua ngọt, tính mát, công dụng nhuận phế, thanh nhiệt, đồng thời giảm ho, tiêu đờm… Quả lê chứa nhiều dưỡng chất giúp cải thiện sức đề kháng, tăng cường chức năng hô hấp. Thường xuyên ăn lê hoặc nấu canh lê với mật ong có công hiệu bảo vệ phổi.
Quả quất có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bổ phế, trị ho, điều hòa khí rất tốt, nhất là đối với trẻ em và người già, người bị viêm phổi, ngoại cảm phong nhiệt có các triệu chứng ho đờm vàng, có tiền sử bệnh hen suyễn. Bạn có thể làm siro quất đường phèn hay kẹo quất, có tác dụng dưỡng âm, bổ khí, bổ phổi, giảm ho, giảm đờm, giảm hen suyễn, kết hợp cả hai vị có thể trị ho rất hiệu quả.
Trong các loại củ, nổi bật trog tác dụng với phổi là cà rốt và su hào. Cà rốt vị cay ngọt, tính bình, không độc, tác dụng thanh nhiệt giải độc, bảo vệ gan, phổi, tim. Cà rốt nhiều beta carotene là chất tiền vitamin A, cùng với đó là vitamin C và các chất chống oxy hóa như lycopene, cải thiện sức khỏe phổi, làm giảm nguy cơ mắc bệnh phổi. Cà rốt cũng nhiều vitamin B6 và amino acid methionine, những hợp chất được chứng minh có khả năng phòng chống và làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Su hào có thể chế biến được nhiều món như củ và cả lá luộc ăn, xào mỡ, xào thịt, hầm xương, làm canh. Theo đông y, củ su hào (phiết lam) vị cay ngọt, tính mát, chữa viêm xoang mũi, thích hợp dùng cho người ho đờm nhiều, đờm màu vàng, đau rát cổ họng, cảm cúm, bổ phổi. Loại củ này cũng giàu vitamin C, giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng tránh bệnh.
Một thực phẩm có tác dụng bồi bổ phổi khác là mộc nhĩ. Mộc nhĩ vị ngọt nhạt, tính bình, dùng cho các trường hợp suy nhược cơ thể, lao phổi, viêm khí phế quản, miệng khô, họng khô rát, nóng rát, cồn cào vùng bụng, tác dụng bổ huyết hoạt huyết, giải độc, thích hợp dùng cho bệnh nhân bị di chứng phổi hậu Covid-19. Thường xuyên ăn mộc nhĩ không những giúp thải độc phổi mà còn bồi bổ cơ thể.
Mật ong cũng tác dụng bổ phổi tốt. Mật ong vị ngọt, tính bình, không độc, có công năng giải độc, nhuận phế, dưỡng âm nhuận táo, bảo vệ ngũ tạng. Một số nghiên cứu cho thấy mật ong có tác dụng thúc đẩy sự hồi phục của tế bào phổi, tăng cường chức năng phổi.
Theo các tài liệu y học, mật ong công dụng bổ dưỡng tỳ vị, trị các chứng ho mạn tính, ho ra máu, thanh nhiệt độc, giải độc… Do có tính kháng khuẩn và kháng viêm cao, mật ong có khả năng phòng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp, trị ho, rát họng… Một số nghiên cứu chứng minh hiệu quả của mật ong còn cao hơn nhiều loại thuốc ho thông thường.
Cuối cùng, 4 vị thuốc trong Đông y giúp bổ phổi, là: bách hợp, tang diệp, ngân nhĩ, bồ công anh. Bạch hợp có tác dụng dưỡng âm thanh nhiệt, tư bổ tinh huyết, thích hợp dùng hậu Covid-19. Nên dùng kèm mật ong hoặc hạt sen đun lên uống giúp thải độc tố phổi và hồi phục chức năng phổi rất tốt.
Tang diệp hiệu quả thanh phế nhuận táo, thanh nhiệt giải độc, thích hợp dùng cho đau rát họng, ho đờm vàng, dị ứng phát ban. Ngoài ra, tang diệp có tác dụng bảo vệ gan.
Ngân nhĩ tác dụng bổ huyết dưỡng khí, tư âm nhuận phế, dùng cho trường hợp mệt mỏi, ho khan, đau rát họng, tác dụng rất tốt hồi phục phổi và tăng cường sức đề kháng.
Bồ công anh cũng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thanh phế, giúp thải độc phế rất tốt.
Bài thuốc tăng cường sức khỏe cho F0 nhẹ và hậu Covid-19
Bài thuốc 1: Thanh phế bài độc thang gia giảm.
Ma hoàng 9 g, chích cam thảo 6 g, hạch nhân 9 g, sinh thạch cao 20 g (đun trước), quế chi 9 g, trạch tả 9 g, trư linh 9 g, bạch truật 9 g, phục linh 15 g, sài hồ 16 g, hoàng cầm 6 g, khương bán hạ 9 g, sinh khương 9 g, tử uyển 9 g, khoản đông hoa 9 g, xạ can 9 g, tế tân 6 g, sơn dược 12 g, chỉ thức 6 g, trần bì 6 g, hoắc hương 9 g.
Cách dùng: Đun khoảng 30 phút, mỗi ngày một thang, chia làm hai bát, sáng tối, uống sau ăn 40 phút, uống liên tục 7 ngày. Bệnh nhân F0 thể nhẹ và trung bình cải thiện sức khỏe rất tốt.
Bài thuốc 2: Điều khí thư uất thang gia giảm (bài này có thể uống dự phòng).
Đảng sâm 30 g, thương truật 15 g, khương hoạt 15 g, chi tử 10 g (sao cháy), chích thảo 10 g, đại táo 2 quả, kính giới tuệ 10 g, bán hạ chế 10 g, phục linh 15 g, sài hồ 10 g, địa cốt bì 10 g, trần bì 5 g, ô dược 10 g, sinh khương 10 g, ma hoàng 10 g, tế tân 5 g, bạc hà 10 g, quế chi 10 g, cát cánh 10 g, mạn kinh tử 10 g.
Cách dùng: Đun khoảng 30 phút, mỗi ngày một thang, chia làm hai bát, sáng tối, uống sau ăn 40 phút, uống liên tục 7 ngày.
Nguồn: VnExpress